Tổ sư Khánh Huy và cuộc đời hành đạo tại Tổ đình Phước Lâm

Thứ tư, 13/11/2024, 19:57 GMT+7

TĐPL – Hàng năm, vào ngày 13 tháng 10 âm lịch, hàng môn hạ Tông phong Tổ đình Phước Lâm đều thành kính thiết lễ tưởng niệm ngày viên tịch của Tổ sư Khánh Huy – Bậc tiền nhiệm trụ trì nơi chốn Tổ.

Hòa thượng Thích Khánh Huy thuộc dòng Lâm tế Chánh tông đời thứ 43 (Gia Phổ đời 39) húy Như Huy – thượng Khánh hạ Huy (1883-1932). Hòa thượng vốn là con út của một gia đình phú nông vùng Cai Lậy bấy giờ, nên khi Ngài phát tâm xuất gia, gia đình của Ngài đã hiến cúng hơn 100 mẫu đất ruộng để làm kinh tế lo cho Tăng chúng tu tập tại chùa lúc ấy.

Hòa thượng Khánh Huy thuở bé cha mẹ đặt tên là Đỏ. Lúc vào chùa được Hòa thượng bổn sư đặt tên là Huy. Ngài sinh năm Quý Mùi (1883) trong gia đình họ Lê tại xã Tân Long (nay là xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

Cha mẹ ngài vốn là nông dân, quý Nho trọng Phật; quê ở xã Bình Phú nên quen biết với Hòa thượng Quảng Huệ húy Trừng Trử từ trước. Vì thấy cha của Ngài có đạo tâm nên Hòa thượng hứa sẽ độ một người con của ông tu học. Thế là cha của Ngài lần lượt đưa hết đứa con này đến đứa con khác lên chùa quy y với Hòa thượng. Nhưng vốn tính trẻ con nhớ nhà nên các vị này đều trở về với cha mẹ.

Mãi đến bảy năm sau, cậu bé tên Đỏ chào đời và đến khi cậu được bốn tuổi thì cha mẹ dẫn cậu lên chùa đảnh lễ và quy y với Hòa thượng. Lúc bấy giờ, cậu Đỏ tuy còn nhỏ tuổi nhưng tính tình điềm đạm, thích ở chùa, không chịu về nhà vì hễ về nhà thì hay bệnh hoạn vô cớ. Như đã có căn duyên từ trước, Hòa thượng Quảng Huệ dặn các đệ tử lớn tuổi phải chăm sóc, dạy dỗ đứa em út này. Hòa thượng Quảng Huệ đã cử cậu Đỏ (lúc đó thường gọi là Từ Đỏ) làm quý tử, mặc dù cậu chưa thọ giới.

Tháng 9 năm Đinh Hợi (1887), Hòa thượng Quảng Huệ viên tịch. Ngài Tâm Niệm-Tấn Thành được cử quản lý tổ đình Phước Lâm, nhưng còn nhiệm vụ khác rất quan trọng là nuôi dưỡng dạy dỗ sư đệ của mình. Nhờ sư huynh Tâm Niệm và gia đình, Từ Đỏ được học hành đến nơi đến chốn.

Đến năm 16 tuổi, Từ Đỏ đến tổ đình Kim Cang (Tân An) đảnh lễ Hòa thượng Hải Lượng - Chánh Tâm, cầu thế độ và thọ giới. Được biết, Hòa thượng Quảng Huệ là sư huynh, còn Hòa thượng Chánh Tâm là sư đệ, do cả hai đều cầu pháp với Tổ Tiên Giác - Hải Tịnh tại tổ đình Giác Lâm. Năm sau, ngài đắc chánh pháp nhãn tạng trở thành một vị tăng trẻ tuổi tài đức vẹn toàn.

Khi đắc pháp, Từ Đỏ được Tổ ban pháp danh Như Huy, pháp hiệu là Khánh Huy, theo dòng thiền Lâm Tế - Đạo Mẫn. Hòa thượng Chánh Tâm thấy Khánh Huy là một đệ tử trẻ, đức hạnh, cử làm “quý tử”. Như thế; ngài Khánh Huy là sư đệ của các vị:

- Khánh Thông (chùa Bửu Sơn, Ba Tri)

- Khánh Hòa (chùa Tuyên Linh – Mỏ Cày)

- Khánh Hưng (chùa Hội Linh – Cần Thơ) 42

- Độ Long (Tổ đình Kim Cang – Tân An)

- Khánh Đức (chùa Phước Thạnh - Cái Bè)

Nhưng ngài là sư huynh của:

- Khánh Tường (chùa Thiền Lâm – Hậu Mỹ)

- Khánh Thoại (tục gọi là Thầy Trầm ở Ba Giồng).

Ngài rất chuyên tâm tu học, không bỏ sót các khóa gia giáo hoặc các khóa kiết hạ, kiết đông nào.

Năm Canh Tý (1900), ngài an cư kiết hạ tại chùa Sùng Đức (Chợ Lớn). Sau khóa an cư này, tình pháp hữu giữa ngài với Hòa thượng Huệ Đăng (Bà Rịa) ngày càng trở nên thân thiết.

Năm Quý Mão (1903), ngài an cư kiết hạ tại chùa Sắc tứ Tập Phước (Gò Vấp).

Năm Giáp Thìn (1904), Chúc thọ giới đàn được tổ chức tại chùa Khánh Quới (ở quê ngài, xã Tân Bình) vào các ngày 13, 14 và 15 tháng 3, với Tổ Hải Lượng-Chánh Tâm làm Đường đầu Hòa thượng, sư huynh của ngài là Tổ Tâm Bờ - Phước Chí làm Yết ma. Cùng năm này, ngài lặn lội vượt qua cơn bão dữ năm Giáp Thìn, kịp về an cư tại chùa Hội Phước ở Sa Đéc do Tổ Hoằng Ân - Minh Khiêm làm chứng minh.

Năm Bính Ngọ (1906), ngài an cư kiết hạ tại chùa Phước Thạnh (Cái Bè) do Hòa thượng Hải Lượng - Chánh Tâm chứng minh. Nhưng chưa hết khóa, Hòa thượng đã thu thần thị tịch, ngài đã đứng ra lo liệu tang lễ cho Hòa thượng.

Năm Giáp Dần (1914), ngài đại trùng tu chùa Phước Lâm. Sau khi công trình viên mãn, ngài thiết lập giới đàn báo đáp ân sâu Tam bảo. Trong giới đàn này, ngài Khánh Đức làm Đường đầu, ngài Khánh Huy làm Yết ma, ngài Khánh Tường làm Giáo thọ.

Đến năm 1919 Ngài trùng kiến Tổn đình Phước Lâm lần thứ 3, nguy nga đồ sộ theo kiến trúc chùa xưa Nam bộ, 5 gian 2 chái với hơn 100 cây cột gỗ quý.

Năm Quý Hợi (1923), tại Phước Lâm Tự mở khóa kiết đông, tham dự nội thiền ngoại thiền có hơn 200 vị. Khóa này, ngài Huệ Đăng (Thiên Thai- Bà Rịa) làm Chứng minh; ngài Khánh Đức (Phước Thạnh, Cái Bè) làm Thiền chủ; ngài Khánh Huy làm Chủ hương.

Sau khóa kiết đông, ngày 16, 17 và 18 tháng 9 – nhân ngày kỵ Tổ Quảng Huệ, ngài đã thiết lập giới đàn báo đáp ân sâu Tam bảo. Giới đàn do Hòa thượng Khánh Đức làm Đường đầu Hòa thượng. Có thể nói, đây là lần đầu tiên tại huyện Cai Lậy có một đại lễ long trọng, đã mời rất nhiều Tăng Ni các nơi về dự. Ngài đã thỉnh Hòa thượng Huệ Tịnh (chùa Linh Tuyền) làm Pháp sư, thỉnh thầy Thiện Nghĩa, Tịnh Trí… lo việc chẩn tế. Trong khóa kiết đông này lại có một vị trẻ tuổi nổi danh là thầy Thiện Chiếu dự nội thiền.

Mấy năm sau, ngài lại mở an cư kiết hạ một lần nữa. Ngài định trùng tu Phước Lâm lần nữa, để có chỗ rộng rãi tổ chức thêm một số khóa an cư kiết hạ, kiết đông, nhưng thời cuộc không thuận tiện nên ngài tạm dừng và ngài lập một cái thảo am bằng gỗ lá, phía trước có biển hiệu “Trực Chỉ Tông”. Ngài thường nhập thất tĩnh tu, còn công việc hằng ngày thì giao cho đệ tử quán xuyến.

Khoảng năm 1930, Hòa thượng biết cơ duyên sắp viên mãn, ngài nguyện nhập thất vĩnh viễn. Đến ngày 12 tháng 10 năm Giáp Tuất (1934), ngài viên tịch, thọ 52 tuổi. 44

Theo lời các bô lão thuật lại thì trước đó mấy hôm ngài vẫn bình thường, dốc tâm vào việc dặn dò phú chúc cho đệ tử. Khi đệ tử hay ngài thu thần, lên chánh điện thắp hương, đánh trống Bát nhã thì hào quang trong thất chói lòa. Lúc bấy giờ; bà con đang làm ngoài đồng thấy trong chùa phát sáng lại nghe tiếng trống chuông dồn dập, tưởng chùa bị cháy nên bỏ công việc trở về định tiếp cứu. Không ngờ lúc đó là lúc Hòa thượng thâu thần tịch diệt.

Lễ tang kéo dài 5 ngày, có chư Tăng các nơi đến trợ tiến hộ niệm. Bổn đạo, Phật tử đến thọ tang rất đông. Theo tục lệ lúc bấy giờ, mỗi người tự ra chợ mua vải trắng, đem về làm khăn tang, thế nhưng chợ Cai Lậy và Cái Bè có bao nhiêu vải trắng đều bán hết, nên bổn đạo phải mua vải đen, vải vàng… phục tang. Do vậy, tang lễ Thầy có đủ màu khăn, áo tang.

Tăng Ni và thập phương bổn đạo đã biếu nhiều biểu đối, hoành, trướng, thơ văn. Trong số đó có một câu đối giản dị nhưng diễn tả hết sự nghiệp của Hòa thượng:

“Ngũ thập hữu nhị niên, hóa duyên tương tất,

Thập nguyệt thập nhị nhật, đạo quả viên dung.”

(Năm mươi hai năm chẵn, hóa duyên đã hết,

Ngày 12 tháng 10, đạo quả vuông tròn).

Có thể nói, Hòa thượng Khánh Huy là một cao Tăng đạo hạnh, mặc dù ngài lưu trú ở thế gian này không lâu. Ngài suốt đời lo việc tu học, thực tài kết hợp với đạo hạnh nên được Tăng Ni, trí thức, thân hào, nhân sĩ ở địa phương mến chuộng và họ thêu dệt nên nhiều giai thoại.

Về công đức, Ngài đã dành rất nhiều ngân khoản để khắc ván kinh và ấn tống các bộ kinh: Pháp Hoa, Tam Bảo, Thiền Môn Nhựt Tụng… đồng thời, cũng đóng góp rất nhiều tài lực ủng hộ phong trào chấn hưng Phật giáo (bắt đầu năm 1930).

Hòa thượng Khánh Huy suốt cả cuộc đời là một tu sĩ bình dị, chú tâm đến việc tu tịnh nghiệp. Đức độ của Ngài là một tấm gương sáng cho giới Tăng lữ cũng như tục gia noi theo tu học.

 
 

Ngọc Bối - Như Tùng

 

Ý kiến bạn đọc